Về Bình Phước thưởng thức rượu điều

BP – Nếu như Bình Định nổi tiếng với rượu bầu đá, Đà Lạt rượu vang nho, Đồng Nai gắn liền rượu bưởi, Bến Tre nức tiếng rượu dừa thì ở Bình Phước đang có một nhà nông khát khao xây dựng thương hiệu “rượu điều” vươn xa trên thị trường nội địa và quốc tế. Đó là sản phẩm độc đáo được chiết xuất từ những trái điều chín mọng của nông dân Võ Thị Mỹ Lệ ở ấp 7, xã Minh Lập (Chơn Thành).

Xuân về, tết đến là thời điểm nông dân Bình Phước bước vào mùa thu hoạch điều. Đây cũng là giai đoạn lý tưởng tích trữ nguyên liệu để chế biến rượu điều. Rượu điều chưa phổ biến song đã có mặt ở các thị trường trong nước và quốc tế qua nhiều đợt triển lãm, xúc tiến thương mại. Với vị ngòn ngọt, cay cay cùng mùi hương điều dịu nhẹ khiến sản phẩm mới lạ của nông dân Bình Phước đang có sức vươn xa.

NHÀ NÔNG SÁNG TẠO

Năm 1992, từ vùng sông nước Bến Tre lên Bình Phước lập nghiệp, bà Võ Thị Mỹ Lệ (SN1955) đã muốn gắn bó với nơi này bởi đất đai màu mỡ của miền Đông Nam bộ. Thời gian đầu, gia đình bà trồng xen các loại cây điều, mì, tiêu, mít, quýt… trên cùng một diện tích để tăng thu nhập và lấy ngắn nuôi dài. Năm 2010, gia đình bà đã sở hữu hơn 20 ha cây trồng, trong đó phần lớn là điều và quýt đường. Từ 12 ha điều và quýt đường, bà Lệ đã mạnh dạn thử nghiệm sáng tạo ra các món ăn, thức uống lạ miệng. Đặc biệt, tháng 4-2010, Festival trái cây Việt Nam lần thứ I diễn ra tại tỉnh Tiền Giang, bà Lệ đã gửi tham gia 7 sản phẩm nguyên liệu từ trái điều như mứt, kẹo, nước màu điều, khô trái điều, rượu… Tại đây, bà Lệ được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trao danh hiệu “Nhà nông sáng tạo”.

Bà Võ Thị Mỹ Lệ đang thuyết trình với Ban giám khảo hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh về rượu điều

Bà Lệ cho biết: Bình Phước là thủ phủ của cây điều. Hằng năm, sản phẩm hạt điều đã đem về nguồn lợi lớn làm thay đổi cuộc sống nông dân. Hạt điều không chỉ phát triển rộng khắp trong thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, người dân Bình Phước chỉ mới tận dụng được hạt điều còn phần trái vứt chỏng chơ, phí phạm trên đất. Điều đó không những chưa tận thu hết tiềm lực kinh tế mà còn gây ô nhiễm môi trường. Sau Festival Quả điều vàng Việt Nam – Bình Phước, được sự động viên, khích lệ của Hội Nông dân tỉnh, một số anh, chị ở Trung tâm Khuyến công, bà Lệ càng quyết tâm thực hiện những sản phẩm từ trái điều, nhất là tạo ra đặc sản rượu.

Để rượu thơm ngon, trái điều phải chín vàng, chín đỏ, có độ ngọt và bảo đảm không bị dính đất. Sau khi lựa chọn, rửa sạch, để ráo, trái điều được ép hoặc vắt lấy nước cốt. Tiếp đó, bà Lệ cho một lượng muối ăn phù hợp hòa tan vào dung dịch nước cốt điều rồi đổ ngược trở lại phần bã điều. Khi đã hoàn thành công đoạn sơ chế nguyên liệu trái điều, bà Lệ cho men thuốc bắc nghiền nhỏ trộn vào và ngâm ủ. Trong vòng 15 ngày (gấp đôi thời gian ủ rượu gạo để tạo sự phân hủy), cơm điều được đem ra chưng cất. Đây là giai đoạn cuối cùng của quy trình chế biến, đổ cơm điều vào nồi nấu rượu, đun với lửa nhỏ từ 4-6 tiếng đồng hồ sẽ có rượu với hương vị điều, nồng độ cồn dung hòa giữa mức cao và thấp nhất là 28 độ.

Bà Lệ cho biết thêm, thông thường 100kg trái điều kết hợp với 1kg men rượu sẽ chưng cất được 20 lít rượu. Trung bình mỗi đợt, bà chưng cất 100 lít, riêng tháng 2-2015, chế biến được 500 lít rượu. Và rượu điều để càng lâu càng ngon. Do đó, giá thành bán ra thị trường đắt hơn rượu gạo. Một lít rượu điều được bán với giá 40 ngàn đồng.

Chế biến theo phương thức thủ công nhưng rượu điều của bà Lệ đã được chứng nhận Sản phẩm sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh lần thứ 3/2015 và có mặt trong nhiều chương trình triển lãm, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài.

MONG ƯỚC TIẾN RA THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Rượu là thức uống độc đáo có từ lâu đời. Nó luôn có trong dịp lễ, tết, tiệc tùng và kể cả những ngày bình thường của nhân dân. Trong đó, rượu trái cây là sản phẩm có giá trị cao về dinh dưỡng với nồng độ cồn thấp nên được nhiều người sử dụng. Rượu điều của bà Lệ còn mới, song đã được nhiều người dân trong vùng thưởng thức và ưa chuộng.

Anh Phạm Minh Chiến (29 tuổi), xã Tiến Thành (Đồng Xoài) cho biết: “Tết 2015, tôi được người bạn tặng 1 chai rượu điều mang nhãn hiệu Long Hổ (sản phẩm rượu điều của bà Võ Thị Mỹ Lệ – PV). Khi mới cầm ly rượu lên, mùi hương phả ra thơm dịu, cảm giác như trái điều chín. Rượu có vị ngòn ngọt, cay cay dịu êm làm tôi vô cùng sảng khoái. Nó dịu nhẹ gần giống như một loại rượu vang mà tôi từng thưởng thức”.

Ông Nguyễn Văn Năm (54 tuổi), xã Minh Lập (Chơn Thành) cho biết: “Khác với rượu gạo, mỗi lần uống rượu điều, người tôi lại thấy khoan khoái dễ chịu. Những lúc hơi mệt, tôi thường tự thưởng cho mình vài ly. Tuy nhiên, giá thành của rượu điều cao gấp đôi rượu gạo nên trong các ngày đám giỗ hay cưới hỏi cho con, tôi không dám mua rượu này để thết đãi khách”.

Tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ 3/2015, sản phẩm rượu điều của nhà sáng chế Mỹ Lệ đã thu hút, hấp dẫn nhiều người thưởng thức. Thậm chí rượu điều của bà Lệ còn có mặt tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Campuchia trong những đợt triển lãm, xúc tiến thương mại. Bà Lệ cho biết: “Mỗi đợt tham dự triển lãm ở các tỉnh trong khu vực, xúc tiến thương mại ở Campuchia, tôi gửi đi hơn 100 chai rượu điều và được mọi người ưa chuộng mua làm quà biếu. Tuy thế, do mẫu mã sản phẩm chưa đẹp mắt, chưa tạo được dấu ấn nên hạn chế sự phát triển của rượu điều. Tôi hy vọng trong thời gian tới, rượu điều sẽ vươn ra các thị trường khó tính ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy giá trị cây điều và những sản phẩm từ điều”.

Việc sản xuất rượu điều không chỉ mang thêm nguồn thu lớn cho nông dân, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn hoàn thiện bài toán phát triển ngành điều, giúp cây điều Bình Phước tồn tại, mở rộng diện tích, tăng sản lượng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế. Hy vọng ngoài các sản phẩm truyền thống, tương lai không xa, Bình Phước sẽ có thêm đặc sản mang tên rượu điều.            

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0886073757