Khi cậu con trai Tony được 10 tháng tuổi, bên cạnh nguồn sữa mẹ và ăn dặm, chị Nguyễn Thanh còn dành thời gian làm sữa
Chị Nguyễn Thanh (TP.HCM) trước đây từng làm nhân viên kinh doanh của một công ty hóa chất. Sau khi sinh con, chị Thanh quyết định nghỉ làm để toàn tâm chăm sóc gia đình và con nhỏ. Bên cạnh việc làm thật nhiều món ngon cho con ăn dặm, chị Thanh còn sắp xếp thời gian để làm thêm sữa thực vật cho con.
Theo chị Thanh, lý do làm sữa hạt được chị tiết lộ đó là dù lượng protein trong sữa hạt không nhiều bằng sữa bò nhưng bù lại, dinh dưỡng từ sữa hạt lại đa dạng hơn. Cách làm sữa hạt mà chị áp dụng cũng đơn giản, dễ làm, giúp chị không quá lo lắng về vấn đề ô nhiễm như bò bị chích hormone tăng trưởng, tiêm kháng sinh, ăn thức ăn GMO nghiêm trọng như hiện nay.
Gia đình nhỏ hạnh phúc của chị Thanh. |
Chị Thanh chia sẻ, bé Tony được bú mẹ hoàn toàn đến tháng thứ 10. Sau khi bé ăn qua gần hết các loại đậu hạt, chị bắt đầu cho con làm quen với sữa hạt vì sau 1 tuổi, con bắt đầu cần nhiều chất để phát triển ngoài sữa mẹ. Chị Thanh cho biết: “Con ăn BLW nên ăn uống chủ động và ăn thô rất tốt nên có vẻ khá dễ dàng chấp nhận sữa hạt, trộm vía lần nào cũng uống ngon lành, có thể uống liền 1 lúc hết ly sữa đầy. Mẹ lại có thêm động lực để mỗi ngày nghĩ ra các công thức ngon và chế biến cho con. Tập cho con uống sữa hạt từ nhỏ, cũng là cách tạo cho con một thói quen tốt, thói quen không bị phụ thuộc vào sữa bò”.
Để tiết kiệm thời gian, chị Thanh thường ngâm hạt qua đêm, sáng ra là đã có hạt để làm sữa. Thời gian ngâm hạt cụ thể có trong bảng ngâm hạt trên mạng, chị in ra và dán trong bếp là có thể sẵn sàng làm tất cả các loại sữa hạt mà mình muốn.
Trong quá trình làm sữa hạt, chị vừa làm riêng mỗi loại một vị hoặc kết hợp 2 – 3 loại khác nhau để tăng dinh dưỡng cũng như giúp con trải nghiệm mùi vị. Các loại đậu, hạt, ngũ cốc có thể kết hợp với các loại củ (ngô, khoai, cà rốt, nghệ, củ dền…) hoặc trái cây có vị ngọt (mít, chuối, xoài, táo, lê, sầu riêng…) sẽ tạo ra mùi vị phong phú và độc đáo.
Chị tự tin nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. |
Khi con lớn hơn một chút chị tìm thêm nguồn dinh dưỡng cho con từ sữa hạt. |
Chị Thanh đưa ra lời khuyên rằng, tùy từng loại sữa có thể nấu hoặc không cần nấu lại sau khi lọc. Một số loại hạt có vỏ có thể ăn sống được như hạnh nhân, óc chó, macca… thì có thể không cần đun để bảo toàn được chất dinh dưỡng. Có 2 chu trình ngâm – xay – lọc – nấu hoặc ngâm – nấu – xay – lọc tùy vào đặc tính từng loại hạt và sở thích có thể lựa chọn cách làm phù hợp. Các loại sữa như sữa hạnh nhân, sữa hạt sen, sữa óc chó, sữa dừa, đậu nành khi đun cần đun nhỏ lửa và khuấy đều, để sữa sôi mạnh sẽ bị vón cục.
Về chất làm ngọt khi chế biến sữa hạt, chị Thanh cũng lưu ý thêm, bé dưới 1 tuổi được khuyên không sử dụng thêm bất kỳ gia vị gì như muối, đường. Tuy nhiên mẹ có thể tùy vào khẩu vị mỗi bé, nếu bé uống được sữa nhạt thì tốt nhưng cũng có bé phải hơi ngọt chút mới chịu uống như Tony thì chị có thể xem xét tạo một chút vị ngọt cho con ngon miệng. Ưu tiên vị ngọt tự nhiên từ các loại trái cây như chuối, táo, lê… mà mẹ có thể kết hợp làm sữa. Kế đến sau 10 tháng có thể dùng các loại đường tự nhiên và có chỉ số đường huyết GI thấp như quả chà là, mạch nha, đường dừa,…. Chị làm sữa thường xay thêm quả chà là, vị ngọt rất nhẹ đủ để con thấy hợp vị dễ uống hơn.
Bé Tony rất thích sữa hạt mẹ làm. |
Một số gia vị có thể thêm vào khi làm sữa cho con để có mùi thơm hấp dẫn hơn như hương vani, bột quế, gừng, nghệ vừa tăng tính chống oxy hóa rất tốt. Chị nấu sữa rất hay đun kèm ít lá nếp (lá dứa), sữa thơm dịu và rất ngon.
Chị Thanh cũng khuyên rằng, sữa hạt sau khi làm nên đóng trong chai đã được tiệt trùng, tốt nhất là chai thủy tinh, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh được 2-3 ngày. Chị Thanh tập cho Tony uống sữa lạnh, để sữa ra ngoài khoảng 15p cho tan giá, thử mát mát là cho con uống, không cần hâm lại do trước đó hay cho con uống nước trái cây để lạnh, con không có vấn đề gì, tiện cho ba mẹ khi đi ra ngoài đỡ mất công mang theo đồ hâm sữa. Các bé nhỏ chưa quen bụng các mẹ có thể hâm ấm sữa cho con uống rồi tập uống mát từ từ.
hạt để bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng giúp bé khỏe mạnh, chóng lớn.