Phát triển bền vững ngành điều

Cây điều được coi là cây trồng trồng chủ lực tại nhiều địa phương thuộc các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và suốt một thời gian dài đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước. 

Phát triển bền vững ngành điều

Chỉ tính 10 tháng đầu năm 2018, ngành điều đã xuất khẩu được 304.904 tấn nhân điều các loại, kim ngạch xuất khẩu 2,82 tỷ USD, tăng 4,5% về lượng nhưng giảm 2,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 9.239 USD/tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ. Dự báo cả năm, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam đạt 3,4 tỷ USD.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, dự kiến sản lượng điều nhân năm 2018 đạt 354.800 tấn, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chế biến, xuất khẩu. Giống điều địa phương trồng bằng hạt chiếm 61,4%; diện tích điều già cỗi, sâu bệnh, sinh trưởng kém, năng suất thấp chiếm khoảng 80.000ha ở khu vực Đông Nam bộ. Diện tích điều giống mới trên toàn quốc mới đạt 32,3%.

Tại Bình Phước, việc chăm sóc, thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vườn điều chỉ đạt 45% và 1/3 diện tích là điều già trên 20 năm tuổi nên nguy cơ nhiễm bệnh cao, năng suất thấp cần phải tái canh. Do biến đổi khí hậu cùng sâu bệnh phá hoại nên diện tích điều và năng suất giảm mạnh. Năm 2017, năng suất điều Việt Nam chỉ đạt bình quân 7,55 tạ/ha; trong khi đó, diện tích chung cả nước cũng giảm từ 440.000ha xuống còn 290.000ha.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước duy trì ổn định 300.000 ha điều, sản lượng 450.000 tấn, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, cần tái canh và ghép cải tạo 60.000ha. Giải pháp đưa ra là đẩy mạnh thâm canh bằng cách dọn vườn, bón phân, kiểm tra vườn thường xuyên để phòng trừ sâu bệnh kịp thời; tái canh trồng mới bằng kỹ thuật mới và giống tốt; ứng dụng giống điều ra bông sớm, ra nhiều đợt trong một vụ; áp dụng tưới nước tiết kiệm, xen canh, bón phân, sử dụng các chế phẩm sinh học…

Tại “thủ phủ” điều Bình Phước, để nông dân thực sự gắn bó với cây điều, “Đề án phát triển bền vững ngành điều Bình Phước đến năm 2020” được phê duyệt với tổng diện tích điều toàn tỉnh là 181.000ha. Đồng thời triển khai thí điểm sản xuất điều theo hướng VietGAP tại Bù Gia Mập; tham mưu các hạng mục vốn vay ODA để đầu tư phát triển cây điều; xây dựng hệ thống canh tác điều trồng xen, nuôi xen khoảng 30% diện tích điều với các cây trồng, vật nuôi nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

Hình thành ít nhất 40 câu lạc bộ liên kết sản xuất; chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu với tổ chức của những người trồng điều trên địa bàn… Theo kế hoạch này, Bình Phước sẽ hỗ trợ cây giống để tái canh 2.487ha điều già cỗi cho năng suất thấp, tập trung tại 2 huyện có diện tích lớn là Bù Đăng và Bù Gia Mập.

Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cũng đang triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong cải tạo vườn điều tại xã Tân Phước, huyện Đồng Phú theo hướng an toàn sinh học”. Dự án nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để giúp hội viên nông dân thay thế vườn tạp, vườn cây lâu năm già cỗi, giống cũ năng suất thấp, đồng thời ứng dụng các chế phẩm vi sinh theo hướng an toàn sinh học, qua đó nâng cao thu nhập cho người trồng điều, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Ông Đỗ Văn Việt (ngụ xã Tân Phước, huyện Đồng Phú) là một trong những hộ được chọn để triển khai mô hình này, cho biết, gia đình có 10ha điều lâu năm và đang ứng dụng vi sinh để cải tạo đất, thay giống điều cũ năng suất thấp bằng giống mới tốt trên 5ha điều được dự án hỗ trợ, sau đó sẽ nhân rộng cho phần diện tích còn lại.

TS Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết: “Hiện Bộ NN-PTNT đã thuận chủ trương dự án thâm canh phát triển cây điều giai đoạn 2019- 2021, do đó, bên cạnh những chính sách của nhà nước đối với cây điều thì rất cần sự chung tay của ngành nông nghiệp các tỉnh; sự tiếp sức kịp thời, đầu tư rõ ràng của các địa phương và trên hết là những nhà vườn – người trực tiếp sản xuất, chú trọng việc chăm sóc, thâm canh cây điều hợp lý”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0886073757